Đúng thì cứ làm
 
Ý tưởng này đến từ một cựu chiến binh người Giáy.
 
Năm 1997, ông Hoàng Văn Mục bắt đầu đón những đoàn khách du lịch nước ngoài đầu tiên về nhà mình tại bản Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai bởi quen thân với một người bạn làm hướng dẫn viên du lịch thường đưa khách vào thung lũng Mường Hoa tham quan và nghỉ ăn trưa. Qua sự khơi gợi của người bạn, ý định cho khách lưu trú tại nhà nảy sinh.
 
Cho khách du lịch ở tại nhà ban đầu cũng gặp nhiều lời qua tiếng lại, xì xào bàn tán của dân bản. Có người nói cho khách Tây ở là không tốt, “nó mà hôn nhau hoặc làm chuyện ấy ở nhà mình sẽ bị vạ, bị trời phạt...”.
 
Nhưng ông đã quyết làm vì một phần thấy không làm gì sai, phần mong muốn vượt qua cái khó nghèo.
 
Ông bà đón đoàn khách nước ngoài đầu tiên về ăn ngủ tại nhà với biết bao điều bỡ ngỡ. Đón những đoàn khách đầu tiên, ông bà chỉ có hai chiếc cót đựng lúa bằng nứa trải trên nền đất cho khách ngủ.
 
Mùa đông lạnh giá, ông bà phải thức đêm đốt lửa cho khách sưởi ấm. Không có màn chống muỗi, ông phải tự lên rừng kiếm lá thơm, đốt khói xua muỗi.
 
Nhà có mỗi cái nồi gang, hết dùng rán bánh mì, bánh kép rồi lại rửa sạch để luộc rau, nấu mì. Không có chỗ tắm giặt nên khách chỉ có thể tắm suối, mùa đông với cái lạnh của Sa Pa thì không thể tắm ngoài trời được, ông lại lên rừng chặt gỗ, tre nứa dựng nhà tắm kín đáo cho khách dùng.
 
Những hôm trời quá lạnh, bà phải dùng chiếc ấm nhỏ đun nước nóng cho khách tắm. Khó khăn lớn nhất là một chữ tiếng Anh bẻ đôi ông bà cũng đâu biết nên không thể giao tiếp với khách. Mọi chuyện lớn nhỏ đều phải nhờ hướng dẫn viên giúp đỡ.
 
Và “nên chuyện”
 
Dần dà cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều bà con trong bản và các xã lân cận học hỏi làm theo. Theo chủ tịch UBND xã Tả Van Phan Mạnh Hoàng, hiện bản Tả Van Giáy có 80 hộ dân thì đã 32 hộ kinh doanh “homestay”.
 
Mỗi khi có người đến hỏi kinh nghiệm làm “homestay”, ông bà Mục luôn chỉ bảo tận tình. Theo ông Mục, đầu tư không quá tốn kém, quan trọng nhất là sự nhiệt tình, mến khách, sẵn sàng phục vụ. Ngày nay du khách tham quan bản Tả Van Giáy không khỏi ngạc nhiên trước cảnh quan ở đây.
 
Những ngôi nhà gỗ pơ mu truyền thống, với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc nhưng khang trang lịch sự. Trong nhà, nội thất được bài trí gọn gàng, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, lại rất đầy đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch.
 
Đến Tả Van Giáy, du khách có thể thưởng thức các món truyền thống như thịt lợn bản, gà đồi nướng, các loại bánh lá, xôi nếp, xôi ngũ sắc, món khẩu nhục hay “khẩu dù”. Uống cùng với rượu ngô, rượu táo mèo, đặc biệt là rượu làm từ mận đỏ đặc biệt chỉ có ở xã Tả Van.
 
Trái mận được bà con hái trên rừng hay ngay trong vườn nhà, ngâm trong các hũ lớn cùng với rượu gạo cất từ năm này qua năm khác.
 
Đặc biệt, du khách có thể tự mình chuẩn bị bữa ăn bằng những sản vật sẵn có của núi rừng.
 
Tự mình lên rừng lấy măng, tìm các loài rau dại ven đồi, câu cá suối hoặc bắt gà thả đồi. Nấu các món truyền thống với sự hướng dẫn của chủ nhà, tất cả sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị, khó quên với du khách.
 
Theo Hiệp hội Du lịch huyện Sa Pa, “homestay” là hướng đi bền vững cho ngành du lịch Sa Pa. Ngoài du lịch sinh thái thì du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, với lượng khách đặt tour ngày càng tăng.
 
Tháng 9, tháng 10 mùa lúa chín - mùa vàng duy nhất ở Sa Pa đang về, tất cả đều ở độ chín. Những bản làng thấp thoáng ẩn hiện trong sương, những ruộng bậc thang uốn lượn bên suối Mường Hoa.
 
Tất cả đang vẫy chào du khách tìm về với Sa Pa để tận hưởng và khám phá mảnh đất thiêng “nơi gặp gỡ đất trời”.
Nguồn: HÀ THỌ THÔNG (báo Tuổi trẻ online)