Quả mắc mật là thứ quà đặc sản núi rừng chỉ vùng cao mới có. Trong các món ăn nổi tiếng của Lạng Sơn, Cao Bằng nói riêng và vùng núi miền Bắc nói chung, du khách thường được thưởng thức các món như lợn bản quay mắc mật, vịt nướng mắc mật…

Từ lá và quả mác mật, người ta dùng làm gia vị chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn và nổi tiếng.
 
Cây mác mật có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn… Trong lá và quả có hàm lượng các nguyên tố vi lượng và đa lượng khá cao. Trong đó, lá có hàm lượng protein, sắt, mangan, can xi cao hơn quả và hạt; lá mác mật còn có tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa, bảo vệ gan, có thể sản xuất thành sản phẩm chức năng; tinh dầu quả mác mật có tác dụng bảo vệ gan, giảm đau, là nguyên liệu để làm thuốc. Quả mác mật giàu hàm lượng vitamin C, ngoài cung cấp các nguyên tố vi lượng, đa lượng và vitamin C cho cơ thể, người dân còn dừng cây mác mật để làm thuốc chữa cảm sốt, phong thấp, lá nấu nước gội đầu làm sạch gầu.
 
Đặc biệt, lá và quả mác mật, người ta dùng làm gia vị chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn và nổi tiếng.
 
Thịt lợn nướng lá mác mật.
 
Thịt lợn sửa sạch, để ráo nước, ướp với lá mác mật giã nhỏ, nước mắm, muối, húng lìu. Để khoảng 1 giờ cho thấm gia vị, rồi nướng trên than hồng.
 
Dạ dày lợn nhồi mác mật.
 
Dạ dày lợn làm sạch. Lá mác mật ướp gia vị gồm muối, bột ngọt, nước mắm. Nhồi lá mác mật vào bao tử heo rồi khâu lại cho vào nồi hấp khoảng 20 phút cho chín, sau đó chiên vàng trên chảo dầu. Khi ăn cắt ra, chấm nước mắm gừng và lá mác mật non.
 
Cá chép nướng lá mác mật.
 
Cá chép moi nội tạng, lóc bỏ xương giữa. Ướp với ngò gai, rau thơm, tỏi, bột ớt, bột ngọt, muối. Lá mác mật rửa sạch, nhồi vào trong mình cá, dùng vỉ kẹp chặt giữ cho lá mác mật không bị rơi ra ngoài. Nướng cá trên than hồng. Ăn nóng với muối tiêu chanh.
 
Thịt bò kho lá mác mật.
 
Thịt bò cắt miếng vừa ăn. Xếp thịt bò vào nồi, một lớp thịt bò rồi tới một lớp lá mác mật, nêm gia vị gừng, hành, nước mắm, muối, nấu lửa liu riu cho đến khi thịt mềm.
 
Bồ câu nướng lá mác mật.
 
Bồ câu làm sạch. Lá mác mật ướp gia vị gồm muối, bột ngọt, nước mắm. Nhồi lá mác mật vào trong bụng bồ câu. Nướng bồ câu trên than hồng.
 
Măng xào lá mác mật.
 
Măng non tước hay thái tùy thích. Lá mác mật thái nhỏ. Xào măng gần chín thì cho lá mác mật vào, đảo đều. Các loại măng tươi đều có thể xào lá mác mật. Thường thì măng vầu đắng xào lá non mác mật là món ăn có hương vị rất khó quên.
 
Lợn quay lá mác mật.
 
Đây cũng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết, sinh nhật hay vào nhà mới của dân tộc Tày.
 
Lợn quay phải chọn con vừa phải, nếu lợn sữa thì càng tốt. Sau khi mổ lợn, làm sạch người ta lấy một cái cây xuyên qua con lợn từ miệng đến đuôi và được cố định bằng dây cột ở sống lưng để giữ vững vị trí. Tiếp theo sẽ dựng con heo lên cho khô ráo rồi lấy lá mác mật tươi xào qua với gia vị như bột ngọt, muối và thêm một gia vị khác là tàu-choong đưa vào trong bụng lợn; dùng chỉ khâu thật kỹ lại để hương vị của hỗn hợp đó ngấm vào thịt lợn. Lợn được quay với thanh củi trong khoảng từ 1 – 4 tiếng tuỳ theo trọng lượng con lợn. Quá trình quay phải thường xuyên lau nước và mỡ rịn ra trên da heo và dùng mật ong pha với nước phết lên ở thời gian đầu cho con heo được chín đều, vàng đẹp như ý.
 
Lợn quay có đặc điểm ít béo bởi trong quá trình quay mỡ đã chảy bớt ra ngoài. Sau khi quay chín, chặt từng miếng xếp ra dĩa, hương vị của lá mác mật toả thơm ngát. Nước chấm dùng với món này là trái mác mật, muối, bột ngọt hoặc dùng nước mắm ớt bỏ trái mác mật vào làm món ăn thêm trọn vẹn.                              
 
Thịt lợn nạc cuộn lá mác mật.
 
Thịt lợn rửa sạch với nước muối rồi thái mỏng miếng vừa ăn. Ướp thịt với 2 thìa dầu hào, 1 thìa mì chính, 1 thìa hạt nêm, 1 gói ngũ vị hương cùng với hành tỏi băm nhỏ. Trộn đều lên để thịt ngấm gia vị trong khoảng 20 phút.Lá mác mật rửa sạch, để ráo nước, dùng từng chiếc lá mác mật gói với một miếng thịt tương ứng rồi dùng tăm ghim lại. Với hai miếng thịt gói lá mắc mật thì dùng chung một que tăm để xiên. Xiên đến khi hết phần nguyên liệu. Đặt chảo lên bếp rồi đổ dầu vào rán từng miếng thịt cuộn. Rán chín đều hai mặt. Khi gần ăn gắp ra đĩa ăn nóng.
 
Quả mác mật nấu thịt.
 
Thịt heo, thịt gà vịt ngan ngỗng nấu với quả mác mật đều có hương vị thơm ngon đặc trưng. Thịt sau khi chặt thái thành miếng cho vào chảo nóng to lửa thêm dầu mỡ, mắm muối cùng một lượng mác mật tươi tùy theo rồi đảo đều cho vị chua và mùi thơm của tinh dầu mác mật thấm đều vào ttwngf thớ thịt. Om cho đến khi nào quả mác mật tự xẹp thì được. Nếu thích canh thì có thể thêm nước đun sôi là sẽ có món canh chua thơm đậm đà rất khó quên. Ở các chợ Cao Bằng có sẵn mác mật khô để bán. Dùng mác mật khô để thay mác mật tươi nấu thịt cũng được.
 
Quả mác mật nấu chân giò heo.
 
 Chân giò lợn chừng 1kg trở lên đem nướng trên than hồng để cháy xém hết phần ngoài da rồi dùng xơ mướp, dao đánh sạch chân giò có màu vàng ươm. Việc nướng chân giò rất ý nghĩa vì sẽ chảy bớt một lượng mỡ và chân giò heo cũng có mùi thơm đặc biệt. Chân giò được rửa lại sạch rồi chặt thành miếng quân cờ cho mắm, muối, thêm chút rượu rồi cho quả mác mật khô hoặc quả tươi nhưng được bóp nát dùng tay đảo đều ướp chừng 15 đến 20 phút, bắc nồi lên bếp lửa to, cho dầu mỡ nóng già cho chân giò- mác mật vào đảo đều om để ngấm gia vị muối mỡ rồi cho nước giảm bớt lửa đun cho chân giò chín nhừ, cho ra bát đĩa một nửa thành món chân giò mác mật om, số còn lại thêm nước đun sôi thành canh. Ai đã ăn một lần món chân giò nấu mác mật của người Tày Cao Bằng sẽ ấn tượng suốt đời.
 
Sốt vang gia vị lá, quả mác mật.
 
Sốt vang cũng có nhiều cách nấu khác nhau tùy theo dân tộc, tùy theo vùng miền. Khi chưa thông thương, khi kinh tế chưa phát triển, khi mà cuộc sống của người Tày, Nùng còn mang đậm kinh tế tự cung tự cấp thì món sốt vang truyền thống thường là món sốt vang có gia vị lá mác mật hoặc quả mác mật. Cách nấu cũng đơn giản. Dùng thịt bò, thịt trâu trong đó có cả nạc, gân, sụn, sườn, đuôi trâu bò qua chế biến sạch sẽ, chặt thành miếng mỗi chiều khoảng hai phân xào om cùng muối mỡ, cho lá hoặc quả mác mật vào ninh nhừ. Trong các đám cưới của người Tày món sốt vang lá mác mật cũng có trên mâm cỗ. Ngày nay một số đám cưới ở vùng Hòa An vẫn còn món sốt vang truyền thống đó.
 
Trong tủ gia vị chế biến món ăn của nhiều gia đình ở miền Bắc thường có túi quả mắc mật khô để dành. Đến thăm những phiên chợ vùng cao, bạn hãy tìm đến gian hàng bán những quả mắc mật khô thơm mua cho mình một ít, để khi về thỉnh thoảng chế biến món ăn thết đãi bạn bè và để nhớ đến hương vị núi rừng miền Bắc nhé.