Bánh khoải thường chế biến trong dịp tết tháng 2 âm lịch của người Nùng. Vào những ngày này các thôn bản sẽ tổ chức lễ cúng cấm rừng. Sau khi làm lễ cấm rừng, tất cả các gia đình không được hái rau xanh, không được chặt củi, cuốc đất… Những ngày tết này nhà nào cũng làm cỗ rượu thịt ăn uống nhiều dẫn đến ngấy thì bánh khoải chính là món ăn ưa thích của các gia đình.
 
Cách chế biến như sau: Để làm được 10 bát bánh khoải, trước khi nấu, người ta lấy bánh khoải ra thái mỏng từ 3 – 4 li, mỗi sát bánh đó lại thái thành các thanh dài vương tương ứng với độ mỏng của sát bánh.
 
Sau đó, cho lượng nước khoảng 2 lít, đun nồi nước cho thật sôi, cho khoảng 3 lạng đường móng ngựa hoặc có thể dùng bằng đường phên, đường đỏ. Dùng đũa hoặc muôi dảo đều cho đường tan hết thì thêm 4 muôi rượu cái vào và đun sôi lại trong thời gian 3 – 5 phút thì cho bánh vào.
 
Cho bánh vào đun đến khi nào sôi già thì món bánh đã chín và có thể dùng được. Lúc món bánh đang được đun sôi, từ trong nồi nấu bánh khoải mùi đường và mùi rượu cái bốc lên rất thơm lôi cuốn người ăn.
 
Vào những ngày tết tháng 2 của người Nùng, trên mâm rượu của các gia đình đều có món bánh này, mọi người vừa nhâm nhi chén rượu vừa thưởng thức món bánh khoải, cùng chuyện trò đến quên cả giờ giấc thông suốt cả ngày cũng được. Khi ăn, người thưởng thức sẽ thấy món bánh vừa dẻo, vừa có vị ngọt thơm của đường vừa có vị chua thơm của bỗng rượu cái khiến cho người ăn có cảm giác ngon miệng và ăn được nhiều hơn.
 
Để làm được món bánh khoải đòi hỏi những người làm phải có sức khỏe và sự khéo léo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người giã bánh với người vo bột. Bởi vậy, qua những dịp đó họ sẽ trổ tài với nhau về khả năng giã bánh và đảo bánh “anh giã khỏe, nàng đảo giỏi”, Trong lúc giã bánh cùng với nhau là dịp đôi trai gái tìm hiểu nhau, họ có thể đoán biết được tính cách của nhau, từ đó xem đối phương có hợp lòng với mình không? Nếu hợp lòng nhau thì chàng trai sẽ về nhà thưa với bố mẹ sang nhà cô gái ăn hỏi để kết duyên vợ chồng với cô gái. Bởi thế, trong cộng đồng người Nùng ở Mường Khương, món bánh khoải cũng trở thành một món ăn tinh thần đối với họ nhất là những “nam thanh nữ tú”.