Vườn đào cổ thụ trên núi Hàm Rồng ở Sa Pa là vườn đào tự nhiên vào loại lâu năm nhất với hàng mấy trăm gốc vươn cành khúc khuỷu, có những gốc to hơn thân người, tán rộng bằng sáu bảy chiếc chiếu. Đào Sa Pa ra hoa vào cữ sau Tết ta, khi đó trời vẫn còn rét nhưng đã mỏng sương và nhiều ngày đã có nắng. Đây là mùa rất đẹp ở Sa Pa. Những đám mây nhỏ đuổi nhau bay ngang thung lũng làm thành các vệt nắng nhạt chạy trên sườn núi và từ trên Sa Pa nhìn xuống, sắc đỏ hoa đào trên nền xanh của cỏ cây đang nảy lộc lúc sáng lúc tối dưới bóng mây trời. Còn nếu đi vào bản làng, nhìn vào trong các sân nhà, hoa đào rực rỡ đỏ như thắp lửa. Cây mận cũng ra hoa trước Tết nhưng cánh nở tung và hoa chóng tàn vì thế không mấy người chơi.
Đào Sa Pa có tới ba bốn loại khác nhau, ra hoa sớm muộn hơn nhau hàng tháng vì thế mùa hoa đào khá dài. Những tháng giá rét trước Tết, các gốc đào đã cô đặc dòng nhựa trong thân và đến khi vào Xuân, trời ấm lên thì tràn lên nhuỵ, sinh ra các cánh hoa cứng cáp, khoẻ và tươi. Hoa đào ở đây nở lâu đến gần một tháng và tạo hoá hình như cũng muốn tỏ ra công bằng vì thế mỗi giống đào có một kiểu hoa và có một sắc màu riêng, nhưng loài nào có hoa không thật thắm đẹp thì quả lại ngon hơn hẳn các loài kia.
Đào ở Sa Pa hầu hết là đào trồng chứ không phải là đào rừng hoang dại, nhưng vì hợp đất hợp khí hậu cho nên bây giờ ngay ven rừng, góc nương, bãi hoang cũng có rất nhiều các gốc đào, chúng mọc lên từ các hột hoặc trái chín do con người, chim thú bỏ rơi koặc do nước mưa cuốn đi. Giống đào nhiều nhất ở đây là đào bản địa đã được ươm trồng từ hơn trăm năm nay, thường gọi là đào Sa Pa. Vào những năm 1960, người ta đưa thêm giống đào từ Vân Nam về trồng trong các thửa vườn của hợp tác xã, loại này cho quả to hơn nhưng đã hái xuống thì không để được lâu. Sau này, các vườn đào Vân Nam không được chăm sóc cẩn thận vì thế cây cằn cỗi, quả có nhỏ đi, chua hơn nhưng vẫn có vị ngon riêng và đây vẫn là loài đào được ưa chuộng. Vào cữ tháng Sáu tháng Bảy, đúng dịp hè, người dưới xuôi lên Sa Pa nghỉ mát rất thích mua đào đựng trong những chiếc rọ đan bằng cây trúc mà dân bản gùi ra bán ở chợ.
Có một loài đào nữa có quả rất to, đuôi quả hơi nhọn và có một vệt lõm chạy dọc, không biết nguồn gốc từ đâu nhưng người dân ở đây quen gọi là đào tây. Ở các bản Mông, người ta còn hay trồng một loài đào có quả to nhưng hơi chua. Những cây đào này rất khoẻ, sống được ở các bản làng Mông vì thế nó được gọi là đào Mèo, lấy theo cái tên nôm na khi xưa của người Mông. Có một giống đào có hoa mỏng năm cánh thanh nhã, có dáng thân khúc khuỷu và cành cong vút, thường được trồng trước vườn làm cảnh chứ không phải để lấy quả. Riêng giống đào này lại bắt đầu khai hoa đúng dịp giáp Tết. Độ khoảng một tuần trước Tết, người ta cưa các cành có dáng đẹp và hoa khoẻ để bán và vào những ngày này ở Sa Pa, ô tô từ các nơi nối đuôi nhau chở cành đào về xuôi. Tại các phiên chợ hoa Tết ở Hà Nội, người ta gọi đây là đào rừng, đào ta hay là đào thế, và chỉ những người sành chơi đào mới biết cách chọn các cành khổng lồ có dáng lạ này để bày vào riêng một góc phòng khách. Cành nào có dánh càng xiên lệch, thân cành càng khúc khuỷu, càng sùi càng