Từ bao lâu nay, trên rẻo cao Si Ma Cai  vẫn tồn tại một khu chợ phiên độc đáo chỉ họp vào thứ bảy hàng tuần - chợ Cán Cấu. Đã thành thông lệ, cứ đến thứ bảy hàng tuần là bà con các dân tộc trên non cao lại tấp nập kéo về chợ. Chợ phiên Cán Cấu trở thành nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng biên Si Ma Cai.

1/ Đi đến chợ Cán Cấu như thế nào?

Chợ phiên Cán Cấu thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cách Tp. Lào Cai gần 100km về phía đông bắc, cách thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai gần 30km về phía bắc. Trong các chợ phiên ở Lào Cai, chợ Cán Cấu còn giữ lại được những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống hàng trăm năm của người Mông Hoa, Dao đen, Tày, Nùng và người Giáy. Chợ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, ngay ven đường 153 - con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn Si Ma Cai, bên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi, quanh năm mây mù bao phủ. Đến đây, du khách vừa có dịp được biết về phiên chợ vùng cao nhiều màu sắc vừa có dịp tìm hiểu thêm về các sinh hoạt đời thường của người dân vùng cao.

2/ Chợ truyền thống rực rỡ sắc màu

7 giờ sáng, chợ phiên Cán Cấu đã đông đúc người và rực rỡ sắc màu. Không gian chợ được chia thành nhiều khu, khu bán thổ cẩm, khu bán hoa quả, nông sản, dụng cụ, vật nuôi phục vụ sản xuất, thuốc đông y, dược liệu,rượu, khu hàng ăn và khu chuyên mua, bán trâu do đồng bào vùng cao mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ. Mỗi khu có một nét độc đáo riêng.Trong đó, ồn ào náo nhiệt hơn cả là khu ăn uống. Mỗi quán bán một loại đồ ăn khá đơn giản, nào thắng cố, phở, cháo, có quán chỉ bán thịt lợn luộc với rượu ngô. Cánh đàn ông quây quần bên những chảo thắng cố bốc khói nghi ngút với những bát rượu ngô được nâng lên, hạ xuống cùng những tiếng nói cười rôm rả.

Nổi bật nhất vẫn là khu bán thổ cẩm. Những mặt hàng thổ cẩm ở đây luôn thu hút sự chú ý của các chị em phụ nữ. vì vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ. Các loại quần áo, vải thổ cẩm truyền thống là mặt hàng tạo nên nét đặc trưng của chợ. Lạc vào khu này, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những chiếc váy, áo thổ cẩm của các cô gái dân tộc Mông vô cùng lộng lẫy xòe ra như những con bướm hoa khổng lồ. Đó là những chiếc túi thổ cẩm được dệt bằng đôi bàn tay khéo léo của các cô gái nơi đây. Những vuông vải thổ cẩm sặc sỡ cũng là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ đến chợ. Hàng thổ cẩm ở đây được bầy bán rất đơn giản có khi chỉ cần trải manh áo tơi ra là đã thành những sạp hàng. Bên cạnh váy áo, còn có chỉ thêu đủ màu, những phụ kiện đính kèm như hạt cườm trang trí trên váy áo rất phong phú,...

Không chỉ đến chợ Cán Cấu để mua, bán, trao đổi hàng hóa, có những người dân tộc đến chợ như thói quen. Cứ mỗi thứ bảy là bà con các bản lại rủ nhau đi chợ từ rất sớm. Họ đến chợ để giao lưu, gặp bạn ở các bản xa tụ họp về đây, hỏi han sức khỏe, cách làm ăn.Họ gặp nhau giữa chợ, dừng lại hỏi thăm nhau, vui vẻ nói cười làm không khí thêm phần nhộn nhịp. Chợ còn là nơi để đôi lứa có dịp gặp gỡ, bày tỏ, nên duyên với nhau. Có đến tận nơi mới thấy được không khí náo nhiệt và đậm chất vùng cao của phiên chợ nơi đây.

3/ Chợ trâu nổi tiếng vùng Tây Bắc

Cách khu chợ hàng hóa chính chừng năm mươi mét là khu chợ trâu. Có lẽ vì người vùng cao thường dùng gia súc để làm việc đồng áng nên họ rất thích khu chợ này. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) và các thương lái từ Thanh Hóa, Quảng Trị, Nghệ An, Hải Phòng,... đến để giao dịch mua bán. Những con trâu mộng to khỏe, lực lưỡng, đứng đen kịt cả khu đất rộng trong chợ.

Giữa “rừng” trâu, người đến bán, kẻ đến mua, cả những người dân và du khách hiếu kỳ cũng đến xem nhộn nhịp. Họ tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, bình phẩm, trao đổi với nhau. Đặc biệt có những chủ trâu không đặt nặng chuyện bán được trâu. Nếu được giá thì họ bán, không được giá thì cũng không ai buồn. Họ coi đó là dịp để khoe đàn trâu của gia đình. Nhiều gia đình thường lùa theo cả đàn khoảng mười con trâu xuống chợ “triển lãm”, hết phiên chợ lại lục tục kéo nhau về. Tiếng móng trâu lốc cốc trên đường cộng với tiếng khua leng keng của chuông trên cổ trâu tạo nên bản nhạc độc đáo miền sơn cước.

Chợ phiên Cán Cấu không chỉ thu hút các thương lái mang những con trâu của miền núi cao về xuôi mà còn hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Bây giờ con trâu đối với người dân Lào Cai không chỉ đơn thuần là phục vụ cho sản xuất mà đã thành hàng hóa, thành nguồn thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Chợ trâu được hình thành đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình.

Một lần đến với chợ phiên Cán Cấu, du khách ai nấy đều mang trong mình niềm vui khi được trải nghiệm tại đây. Đó sẽ kỷ niệm không thể nào quên về những nét đặc sắc trong văn hóa chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới!