Hằng năm, cứ vào ngày Thìn trong tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì ở xã Ý Tý, huyện Bát Xát lại nô nức chuẩn bị cho Tết “khu già già”. Tết sẽ diễn ra các nghi lễ cầu cho một mùa vụ bội thu, hoa màu tươi tốt, đây cũng là dịp để con cháu dâng lên tổ tiên những sản vật gieo trồng được trong năm qua.
 
Tết “khu già già” thường diễn ra trong 4 ngày với rất nhiều các hoạt động. Vì vậy, để bắt đầu cho Tết, ngay từ sáng sớm ngày Thìn mọi người bắt tay vào công việc mà mình được giao từ chiều hôm trước.
 
Ngày đầu tiên, họ tổ chức lợp lại nhà "công viên" - là khu rừng duy nhất mọi người có thể đến vui chơi trong ngày hội, là khu rừng cúng duy nhất phụ nữ được phép đến vui chơi, nơi nam nữ thanh niên đến tình tự, tìm bạn đời sau khi nghi lễ cúng, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Tết. Một nhóm thanh niên được cử lên rừng lấy cỏ gianh, sau đó giỡ bỏ lớp cỏ của của năm trước để thay thế bằng cỏ mới. Theo quan điểm của người Hà Nhì, đây là nghi lễ cầu mùa lớn nhằm cầu mong cho cây lúa phát triển nhanh, không bị sâu bệnh phá hoại, nên khi lợp mái lán cũng phải lợp ngược để mong cho cây lúa cũng phát triển đi lên như những cây cỏ này. Sau khi lợp mái xong, thầy cúng lấy một nắm cỏ tươi, loại dùng để lợp mái cài lên đầu cột lán để sáng hôm sau dùng buộc vào mõm trâu khi giết thịt.
 
Sau khi “công viên” đã được chuẩn bị đầy đủ sẽ diễn ra nghi lễ mổ trâu tế thần rừng vào sáng ngày Tỵ. Theo tục lệ, trâu cúng thần phải là trâu đực, khỏe, lông đen tuyền và tìm mua ở bản khác. Khi mua trâu phải tìm hiểu con trâu đó thường ăn cỏ ở đồi nào thì người trong thôn đến khu đồi đó cắt cỏ gianh về lợp lều cúng thần. Thịt trâu sau đó sẽ được chia đều cho các gia đình trong thôn. Các gia đình dùng thịt trâu cùng với các nông sản làm cơm cúng tổ tiên vào buổi chiều cùng ngày.
 
Ngày thứ 2, một số nam thanh niên sẽ được cử lên rừng lấy cây về làm đu và bập bênh, để chuẩn bị cho việc vui chơi ngày Tết. Công việc này đòi hỏi hoàn thành trong buổi sáng của ngày Tỵ. Bên cạnh những công việc của đàn ông thì phụ nữ trong thôn được giao đảm nhiệm nhiều công việc, như làm bánh giầy để chia đều cho các gia đình; dọn dẹp đường làng ngõ xóm, nhà cửa; chuẩn bị quần áo mới cho cả gia đình đón Tết “khu già già”...
 
Sang ngày thứ 3 của Tết “khu già già”, nghi lễ cúng chính thức của mỗi thôn sẽ diễn ra tại "công viên", có 16 - 20 gia đình uy tín trong thôn được tham gia lễ cúng này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm bao gồm thịt trâu mổ từ hôm trước, cùng các sản vật địa phương và rượu. Đồ cúng thần chế biến từ thịt trâu được xếp từng mâm, từng hàng bày trong lều… Đúng giờ đã định, hai thầy cúng tiến hành hành lễ, cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh. Sau lễ cúng, mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại “công viên” chúc nhau sức khoẻ, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi.
 
Ngày cuối cùng, tất cả các điểm "công viên" ở các thôn đều diễn ra các trò chơi dân gian, già làng đánh đàn hoóttờơ, các cụ già hát múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên... đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.
 
Lễ hội còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khu già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở trong áo. Nếu thấy tâm đầu ý hợp, chờ đến khi trời tối, chàng trai tung chăn chùm vào người cô gái và đưa về báo cáo với bố mẹ để cử người sang nhà gái xin cưới...
 

“Khu già già” thực sự là một ngày hội lớn và đáng quý của người dân, là dịp mọi người cùng nghỉ ngơi, cùng đi thăm hỏi nhau sau những ngày tháng xa cách. Lễ hội này đang rất cần được lưu giữ và phát huy trong cộng đồng xã hội người Hà Nhì, bởi nó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng.