Nằm trên địa bàn xã vùng biên Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cũng giống như những chợ vùng cao khác của miền Tây Bắc, chợ phiên Pha Long mỗi ngày thứ 7 không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là chốn gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Pa Dí, Thu Lao, Tu Dí...
Phiên chợ đầu tiên của năm bao giờ cũng là phiên chợ nhộn nhịp nhất. Với người dân … đây không chỉ là ngày hội mà còn là dịp để mua cho mình một nông cụ chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu.Khi vào phiên chợ, ngay từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường đã thấy người người từ các thôn, bản nối tiếp nhau về chợ. Họ đi thành từng đoàn, từng nhóm, từng cặp và có khi là từng người một. Người thì gùi hàng, người thì dùng ngựa để thồ hàng, người thì xuống chợ bằng xe máy…Váy áo xúng xính, những chiếc ô xoè ra như nấm trên đầu các thiếu nữ với những màu sắc sặc sỡ, tạo nên bức tranh đầy sinh động, quyến rũ và thơ mộng.
Chợ Pha Long như đẹp hơn bởi người và hàng hóa. Mọi người mua bán hàng hóa ngay tại các lều, trại và cả ở hai bên đường. Người đông chen nhau đến chóng mặt: chen nhau mà thấy vui, mà mua bán, bắt chuyện, làm quen... Có đủ các dân tộc tụ họp về đây như: người Mông, Lô Lô, Tày, Nùng, Giáy...Những chú ngựa thồ hàng xuống chợ được buộc vào thành bãi có tới cả gần trăm con. Trâu, bò, lợn, gà đều được đưa xuống chợ bán. Ngô, lúa, gạo, đậu tương cùng các mặt hàng khác thì nhiều vô kể. Nổi tiếng nhất là gạo Séng Cù: vừa thơm vừa ngon và hai sản vật không thể thiếu trong phiên chợ của người Mường Khương đó là ớt và mía xương gà.
Náo nhiệt, ồn ào và bắt mắt nhất là nơi bán hàng thổ cẩm. Xuống chợ, ai cũng muốn chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất, vì thế chị em chọn lựa, ướm thử rất kỹ càng. Bên hàng ăn, người ta dễ bị choáng ngợp bởi hương vị quyến rũ của một số loại ẩm thực như: chảo thắng cố từ thịt trâu, thịt ngựa, thịt bò... của người Mông, hơi men cay nồng của thứ rượu đặc sắc: rượu Cốc Ngù của người Pa Dí, được vắt ra từ những hạt ngô của miền biên ải...