Trong rất nhiều ấn tượng mà du khách khi rời xa thị trấn xinh đẹp Sapa trong mây không thể quên – đó là cá Hồi nướng, thịt lợn cắp nách Sapa quay, thịt lợn hun khói, nấm hương tươi xào thịt… và đặc biệt là các món ăn được chế biến từ rau xanh là những món ăn mà bất kì du khách nào khi đặt chân đến mảnh đất này một lần thưởng thức cũng phải trầm trồ thán phục vì hương vị tươi nguyên, thơm ngọt riêng của mỗi loại.

Cũng là điều dễ hiểu khi vùng đất quanh năm lễ hội có nhiều thức uống ngon, làm nên một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người vùng cao “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”… Ấy là rượu với cách chưng cất truyền thống trong chõ gỗ bằng thứ ngũ cốc gieo trồng trên nương núi, bằng thứ men lá bí truyền, bằng thứ nước khe chảy từ trong đá.
 
Có lẽ đến Sapa Lào Cai, chưa uống rượu Shan Lùng ngọt mềm môi, chưa thấm đẫm vị tê tê, say say nơi đầu lưỡi… thì xem như bạn chưa đến Sapa. Nằm chót vót trên đỉnh núi Tam Long – người Dao đỏ thôn Shan Lùng ở xã Bản Xèo (Bát Xát) quanh năm chỉ biết đến nghề cấy lúa ruộng bậc thang, nấu rượu thóc ủ từ men lá bí truyền do chính mình tự làm ra… Thế rồi, chính thứ “nước trời” tinh túy ấy, đã làm nên một thứ mỹ tửu trời cho. Ban đầu chưa thành rượu hàng hóa vì nhà nào cũng nấu rượu… Thế rồi khi thứ rượu rời non xuống phố, nức tiếng gần xa thì b mới biết mình có một báu vật quý giá. Từ ấy, rượu được bà con nấu nhiều hơn với ý nghĩ vừa uống vừa đem xuống chợ bán nữa… Cả bản đều nấu rượu nên du khách một lần đến bản của người Dao Shan Lùng thì cũng đừng thắc mắc tại sao ngay từ chân dốc đã tỏa hương rượu thơm, tỏa mùi thóc ngâm, mùi men lá… Lên bản, du khách được vào từng nhà dân tham quan từng công đoạn cho thóc lên mầm, ủ mầm thóc để lên men rượu, rồi công đoạn nấu rượu trong chõ gỗ. Trong hương rượu Shan Lùng không chỉ là thứ tinh túy chắt ra từ đá núi, từ mầm thóc từ bí quyết lên men mà còn ẩn chứa trong đó có cả “men tình” của người Dao đỏ SaPa.
 
Không riêng gì bản Shan Lùng trở thành điểm du lịch Sapa làng nghề hấp dẫn mà đến với Lào Cai, khách phương xa không quên ghé thăm bản người Hà Nhì ở Ý Tý có nghề nấu rượu Sim San. Ngược lên miền cao nguyên trắng thưởng mức rượu ngô men lá hồng mi của người Mông ở Bản Phố. Men theo triền sông Xanh lên thưởng thức rượu ngô nếp nương Cốc Ngù của người Pa Dí… Rồi dặm dài câu then “thương ơi là thương” để theo dòng suối Chăn về Văn Bàn thưởng thức hương rượu Nậm Cần của người Dao đỏ với men lá bí truyền hái vào 2 ngày trong năm đó là Thanh Minh và Cốc Vũ. Cũng là đặc sản của miền sơn cước dưới chân núi Fansipan, rượu thóc Thanh Kim của người Dao đỏ nơi đây cũng là một thứ rượu ngon hảo hạng… Mỗi bản, làng nghề nấu rượu truyền thống dù của người Mông, người Dao hay Pa Dí đều có những phương thức chưng cất, ủ men riêng biệt… dù cũng những công đoạn ấy nhưng mỗi mảnh đất, bản làng đều có thứ rượu mang hương vị đặc trưng làm nên thương hiệu của mỗi loại rượu mà người sành uống chắc rất dễ phân biệt đâu là rượu mầm thóc Shan Lùng, đâu là rượu ngô Cốc Ngù, đâu là rượu men lá hồng mi Bản Phố…