Đội văn nghệ của bản thường xuyên luyện tập để lưu giữ văn hoá truyền thống của dân tộc mìnhVH- Nếu đã từng đến Phiêng Hào (Mường Khoa, Tân Uyên, Lai Châu) chắc hẳn những điệu múa, tiếng khèn độc đáo của các chàng trai, cô gái dân tộc Lào nơi đây sẽ khiến người phương xa lưu luyến mãi… 

Nét riêng Phiêng Hào
 
Trên đường đến Phiêng Hào, chúng tôi bị cuốn hút bởi những cánh đồng lúa xanh mướt trải dài khắp hai bên đường. Đã bao đời nay, bản làng vùng sâu, vùng xa này vẫn giữ được những nếp khai hoang, canh tác ruộng nước của ông cha để lại. Rồi xa xa bên những nông trường chè rộng bao la lại thấp thoáng những mái nhà sàn – nơi sinh sống của 100% người dân tộc Lào. Được biết, 90% ngôi nhà trong bản vẫn giữ được nếp nguyên sơ truyền thống. Đó là kiểu nhà có hai mái, mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Lò Văn Ngân, Trưởng bản Phiêng Hào cho biết: “Ở bản vùng cao này, chúng tôi chỉ thay đổi tư duy về cách làm ăn để xóa cái nghèo, chứ nhất định không thay đổi kiến trúc ngôi nhà truyền thống của các thế hệ trước”.
 
Ở Phiêng Hào, văn hóa văn nghệ dường như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là những bài dân ca của dân tộc. Ban ngày, người dân hăng say lao động sản xuất, tối đến lại nhóm họp luyện tập các bài múa, hát, điệu khèn truyền thống. Có dịp thưởng thức buổi diễn của đội văn nghệ bản, chúng tôi thực sự cuốn vào những âm hưởng độc đáo của dân ca Lào. Với những dụng cụ truyền thống là sáo, nhị, trống, tính, 16 người trong đội văn nghệ của bản say sưa m hát như ngày hội. Lời bài hát và cách thể hiện các bài múa của họ mang đậm nét sinh hoạt thường ngày. Bài thì nói về nghề dệt vải, xe sợi, bài lại thể hiện động tác khi bước vào mùa, rồi có bài lại miêu tả chiếc nón, chiếc khăn…
 
Anh Lò Văn Sẳn, đội trưởng đội văn nghệ của bản Phiêng Hào cho biết: “Từ khi còn bé, chúng tôi đã biết đến những lời ca, điệu múa của dân tộc mình. Đời này qua đời kia lại có người truyền đạt lại và chúng tôi tiếp tục gìn giữ cho thế hệ sau”. Khoảng 30 bài hát được lưu giữ đến hôm nay đều có sự góp công, góp sức của anh Sẳn. Không chỉ am hiểu về các điệu múa mà anh còn là người thổi khèn chính rất điêu luyện của đội. Chiếc khèn của người Lào có phần cách điệu và đơn giản hơn chiếc khèn của người Mông, nhưng vẫn mang đến âm thanh phiêu bồng, cuốn hút người nghe. Và khèn là nhạc cụ không thể thiếu được trong các bài múa truyền thống của người Lào nơi đây.
 
Gắn với du lịch cộng đồng
 
Từng có thời kỳ, vốn quý của dân tộc Lào có nguy cơ mai một trên mảnh đất Phiêng Hào. Trưởng bản Ngân kể lại: “Khoảng chục năm trước, ai nhớ điệu múa nào đều được ghi chép và gom lại thành từng quyển sổ. May mắn là những điệu múa gắn liền với nếp sống của bà con vẫn còn được những người lớn tuổi trong bản lưu giữ”. Song song với tìm kiếm, bản đã thành lập một đội văn nghệ để truyền đạt và lưu giữ các điệu múa.
 
Bên cạnh công việc đồng áng hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều muộn hoặc tối đến, trong nhà văn hóa của bản, tiếng nhạc lại rộn lên, các thành viên đội văn nghệ lại mải miết múa và ca hát. Bước chân và bàn tay được tôi luyện nên cũng trở nên mềm mại và uyển chuyển tùy theo cách điệu của mỗi bài. Có lúc sôi nổi, có khi lại nhẹ nhàng, sâu lắng. Nghe nhiều cũng quen, đến nỗi những đứa trẻ lên 4, 5 khi đến xem cũng thuộc làu những điệu múa cơ bản. Chị Lò Thị Anh, người đã có gần 10 năm tham gia đội múa chia sẻ: “Ban đầu, được vào trong đội hình văn nghệ của bản, mình e ngại lắm. Nhưng được hướng dẫn và luyện tập thường xuyên cùng bà con trong bản thì cảm giác đó không còn nữa, chỉ biết say sưa múa và múa thôi. Ngày nào không đi tập lại thấy buồn tay buồn chân”.
 
Từ khi Phiêng Hào nằm trong dự án du lịch cộng đồng, những cô gái trong đội văn nghệ càng say mê luyện tập hơn. Cũng chính điều đó đã giúp cho đồng bào nơi đây bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc nhất của người Lào, giúp cho thế hệ trẻ ở bản Phiêng Hào thấy được vai trò của văn hoá truyền thống và gìn giữ văn hoá trong đời sống bản làng.