Sách "Kiến Văn tiểu lục" của nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi: "Gia quốc công tên gọi Vũ Văn Mật vì lánh nhà Mạc nên kéo quân lên đóng ở động Ngọc Uyển - vùng Bảo Nhai (Bắc Hà ngày nay) rồi thu thập binh mã phò Lê diệt Mạc kéo xuống Lục Yên”, vị thủ lĩnh này đã nhìn ra địa thế cửa ngõ án ngữ Lào Cai của Phố Ràng nên đã chọn đất này để xây thành đắp lũy. Thời vua Lê Chiêu Tông (1516 -1522) đã trao cho Vũ Văn Mật chức Tổng binh Tuyên Quang, sau này vì có công giữ trọn cảnh thổ, một lòng phò vua giúp nước, dạy dỗ dân làm ăn hưng thịnh khắp phiên trấn Bảo Yên, Bắc Hà nên được vua phong An Tây Vương cai quản cả một vùng Tây Bắc.

Qua thư tịch cổ tìm lại được, Thành Nghị Lang do Vũ Văn Mật cùng con cháu xây dựng đã hiện diện trong thực tế từ năm 1527 đến 1699 đó là một tòa thành rộng ôm trọn cả khu vực thị trấn ngày nay, mà kiến thiết dân sinh qua 4 thế kỷ đã làm phai mờ vì xây dựng chồng lên rất nhiều đoạn tường thành, nên các di chỉ khảo cổ còn lại rất ít. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn có thể nhận ra đây là dạng Thành dựa vào hình sông thế núi - một nghệ thuật quân sự đặc trưng ở Việt Nam, không tiêu tốn sức người sức của mà lại rất vững bền. Những lũy tre cũng là một thành phần của hệ thống phòng thủ, truyền thuyết kể rằng: Đêm đêm, ở khu vực Soi Bầu, khu vực thành nội, đồi Khao quân, đồi Cơm Lam vẫn có tiếng gươm đao khua, tiếng binh sĩ reo hò tập trận.
 
Thành cổ Nghị Lang về cấu trúc cơ bản cũng giống với kiến trúc thành trì ở Việt Nam vào thế kỷ XVI - XVII, cơ bản là hình tứ diện, xong do phải thuận tiện theo hình dáng của địa hình lợi dụng xây dựng lên, nó chưa hẳn là hình vuông mà chỉ là tương đối, hay nói cách khác thì kết cấu không thực sự hoàn chỉnh. Tường Thành bề ngoài đều được xây kè đá có vôi vữa làm chất kết dính, đá xây chủ yếu là đá cuội lớn (lấy từ sông chảy lên) toàn bộ Thành có hướng đổ dốc ra phía sông chảy, mặt đối diện quay ra sông. Theo truyền thuyết thì toàn bộ tường của Thành cổ Nghị Lang lớn ôm trọn toàn bộ thị trấn Phố Ràng ngày nay.
 
Thành cổ Nghị Lang là một tòa thành có giá trị to lớn về nhiều mặt, qua nghiên cứu ở đó còn lưu giữ lại rất nhiều các giá trị về Lịch sử Văn hóa và Khoa học, đặc biệt Thành cổ Nghị Lang còn là một địa điểm nghiên cứu về Nghệ thuật kiến trúc quân sự có giá trị. Qua các đợt khảo sát nghiên cứu từ trước đến nay trong kho Bảo Tàng tỉnh Lào Cai đã sưu tầm được trên 300 hiện vật ở khu vực Thành Nghị Lang gồm các sưu tập đá, đồng, gốm, sứ...và các đồ vật quý hiếm khác góp phần khẳng định sự tồn tại của Thành Nghị Lang và khẳng định được văn hóa truyền thống của nghề rèn, mộc, gốm sứ tinh xảo của cha ông các dân tộc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
 
Tưởng nhớ và tri ân người anh hùng Vũ Văn Mật và dòng họ Vũ đã có nhiều công lao bảo vệ biên cương, bờ cõi và dân lành, nên sau khi Vũ Văn Mật mất đi nhân dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao và nhắc nhở cho con cháu đời sau lưu ân ông hương khói, thờ phụng.
 
Chính vì vậy, Đền Phúc Khánh và Thành cổ Nghị Lang đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 51/QĐ-BVHTT ngày 27/12/2001. Hằng năm cứ đến ngày Thìn tháng Giêng là Lễ hội Đền Phúc Khánh được mở. Cùng với Thành cổ Nghị Lang, di tích Chiến thắng Đồn Phố Ràng, Đền Bảo Hà, đền Cô Tân An thì đền Phúc Khánh đang hình thành một tuyến du lịch lịch sử, tâm linh kết nối với các tuyến, tour du lịch trong tỉnh Lào Cai trở thành thương hiệu và hành trình khám phá, trải nghiệm không thể thiếu của mọi du khác trong hành trình của mình khi đến với Lào Cai.