Chợ phiên Sín Chéng họp vào thứ Tư hàng tuần, khách du lịch lên Sapa cứ thắc mắc sao không họp vào cuối tuần như nhiều phiên chợ khác. Đơn giản là để không trùng với những phiên chợ khác thôi. Chỉ riêng điều ấy đã là nét riêng có của chợ phiên Sín Chén
Ai đến Sín Chéng cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi phiên chợ đậm đà bản sắc dân tộc. Đến trưa, chợ tấp nập kẻ mua, người bán, bà con người Mông, Nùng, Thu Lao... đem đến chợ những sản vật quý giá nhất. Đàn ông tranh thủ nếm những mẻ rượu mới nấu rồi tìm cho mình một chỗ ngồi bên hàng thắng cố, còn phụ nữ lại chen vai bên những gian hàng thổ cẩm. Sín Chéng được biết đến với loại gạo ngon nức tiếng và giống vịt bản địa không đâu có, khách từ xa đến ai cũng tìm cách mua cho mình bằng được những sản vật ấy. Đang vào mùa vụ, nên những sạp hàng bán nông cụ cũng rất đông người đến mua sắm. Ở Si Ma Cai và nhiều huyện vùng cao Lào Cai, ngựa không còn là thứ phương tiện duy nhất để đến xã, đến bản như trước kia, nhưng đến chợ phiên Sín Chéng vẫn dễ dàng bắt gặp những dáng ngựa thủng thẳng trong nắng sớm chở hàng hóa.
Dẫu cho cơn gió thị trường đã tìm cách vượt rừng, vượt núi đến với vùng cao này, nhưng vẫn không thể làm mất đi những nét truyền thống của phiên chợ từ nhiều đời nay. Người Sín Chéng vốn thật thà, chất phát, một xâu ớt, một can rượu hay một con trâu... chỉ nói một giá không bán được thì mang về, chờ phiên chợ sau lại mang đến, chứ không kỳ kèo kiểu dân buôn. Chính những điều đó khiến cho những du khách phương xa vẫn mong có ngày trở lại chợ phiên này.