Trên hành trình đến với Bắc Hà bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngọn núi hùng vĩ, những vực sâu thăm thẳm, những khúc cua và những thửa ruộng bậc thang… Nếu bạn là người có sở thích chụp hình và phiêu lưu mạo hiểm thì có lẽ cung đường này thật là thích hợp với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ đó…. Trên đường đi thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của người dân tộc dắt ngựa và đổ về hướng chợ Bắc Hà, để đến với chợ phiên, người dân phải đi từ rất sớm, thậm chí phải đi từ ngày hôm trước đến trưa hôm sau mới đến được chợ.
 
Đặc biệt, ghé mắt quan sát bất kỳ chiếc gùi nào của người đi chợ, bao giờ cũng có một bộ quần áo dân tộc mới nhất, đẹp nhất, đến gần chợ họ mới mặc vào rồi trang điểm, đeo lên cổ, lên tay những vòng, xuyến bằng bạc…. bởi theo quan niệm của người dân địa phương, đi chợ cũng đồng nghĩa là đi chơi. Vì chợ không chỉ đơn giản là nơi mua, bán trao đổi hàng hóa, mà còn mang yếu tố văn hóa tinh thần, là nơi gặp gỡ, giao lưu, tâm tình. Vượt qua 60km đường núi cao, quý khách đến với phiên chợ nổi tiếng Bắc Hà nơi bầy bán đầy đủ những sản vật nổi tiếng của vùng cao như: Chè Shan, hoa quả, mật ong, rượu, áo, váy thổ cẩm, đồ trang sức bạc, hoa phong lan, cây giống; hay dắt theo những con ngựa, bò, lợn, hoặc khệ nệ vác những bao ngô, khoai.
 
Nhưng có lẽ khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc gùi bằng mây duyên dáng. Tại đây, bạn có thể tùy ý lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm, hoa mắt với những sắc màu rực rỡ của váy áo các thiếu nữ dân tộc Mông, Dao đỏ…. Là thu hút được những du khách phương xa nhất. Trong tiếng ồn ào mua bán, nghe đâu đó tiếng khèn và tiếng hát lúc trầm lúc bổng của các chàng trai trẻ như mời gọi các cô gái. Khách du lịch đến Bắc Hà, nhất là khách nước ngoài, rất thích thú với những khám phá mới về cuộc sống, phong tục của người dân nơi đây.
 
Việc tham gia khu chợ với đầy đủ sắc mầy sẽ trở lên thiếu đi phần thú vị và chưa thể cảm nhận được nét đặc sắc riêng của chợ Bắc Hà nếu bạn chỉ tham quan khu mua sắm mà quên rằng Bắc Hà còn là nơi khám phá những nét đặc trưng về ẩm thực của người dân tộc… còn gì thú vụ hơn khi đi Bắc Hà và cùng uống rượu bên chảo thắng cố. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông bản Phố, được nhiều người biết đến bởi độ nặng và vị gắt rất đặc trưng.
 
Ngày nay trong xu hướng bị thương mại hóa các chợ vùng cao hiện nay thì Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa. Đến Bắc Hà, bạn sẽ không gặp cảnh mời chào chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Chiều đến, chợ bắt đầu vãn khách; người đàn ông say rượu ngồi ngất ngưỡng trên lưng ngựa, người phụ nữ dắt ngựa về bản là một hình ảnh đọng lại trong tâm trí du khách.
 
Bên cạnh đó đến với Bắc Hà Quý khách còn có cơ hội thăm quan Dinh Thự Vua Mèo – Hoàng A Tưởng. Được khởi công xây dựng từ năm 1914 song đến năm 1921, dinh thự này mới được hoàn thành. Gần 100 năm trôi qua, dinh Vua Mèo vẫn sừng sững trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Với thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp và người Trung Quốc, dinh thự là sự hòa quyện giữa kiến trúc phương Đông và Tây. Ngày nay, chính quyền cho tu sửa khôi phục lại dinh thự này cho dúng thiết kế ngày xưa, nhưng vẫn có chi tiết không giữ nguyên bản. Tuy nhiên, tới đây, bạn sẽ được nhìn ngắm những kỷ vật của Hoàng Yên Chao vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Đó là một bộ trường kỷ (bàn ghế cổ) và một gương gương soi treo tường của Trung Quốc.