Từ trung tâm huyện Văn Chấn, du khách chỉ mất vài phút đi xe máy là vào đến bản Hốc để tận hưởng không khí trong lành, bình yên và thưởng ngoạn những cảnh đẹp do bàn tay con người tái tạo và thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Trong nắng vàng rực rỡ, Bản Hốc hiện ra với những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong những vườn nhãn xanh tốt, từ xa đã vang tiếng thoi dệt vải lách cách, những cô gái trong trang phục áo cỏm váy Thái má đỏ hồng thấp thoáng bên khung cửa tô đậm thêm nét văn hoá Tây Bắc.

Đường vào suối nước nóng đã dễ đi hơn, đã có nhà tắm công cộng, nhà mát - xa xông hơi, cùng với dòng nước khoáng nhiệt độ trung bình đạt từ 50- 60 độ C. Qua phân tích các mẫu nước suối nóng cho thấy đều có độ khoáng hoà tan cao, tốt cho dưỡng sinh và trị các bệnh ngoài da. Không chỉ vậy, khi đến với vùng đất này, du khách sẽ được khám phá nhiều nét đặc sắc của văn hoá Thái. Đó là những điệu dân vũ nồng say như múa xoè, múa sạp, múa nón...
 
Buổi tối, bên bếp lửa nhà sàn, ăn cơm lam với cá suối nướng, rêu suối nướng, bát canh rau rừng mát lành. Mỗi lần nâng chén, chủ nhà lại cất tiếng hát mời rượu (khắp mơi lẩu) khiến bạn không thể từ chối. Về khuya, người già trong bản hát cho bạn nghe thiên tình sử bất hủ của người Thái Đen “Tiễn dặn người yêu” (Xông trụ xon xao), “Cô chị, cô em” (Ý ưởi, ý noọng), rồi chuyện ông Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, hay tướng quân Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nhân dân chống Pháp sục sôi...
 
Ở bản Hốc, các hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức khá thường xuyên. Những nét văn hoá truyền thống được các nghệ nhân lưu giữ và truyền bá. Những năm gần đây, điểm du lịch bản Hốc đã được Bảo tàng tỉnh kết hợp với ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn tiến hành khảo sát, xây dựng thành khu bảo tồn văn hoá với đặc thù bản của người Thái Đen ở Tây Bắc. Trong đó những điểm nhấn là nhà sàn cổ, nét thuần phong mỹ tục, thú ẩm thực, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, y học dân gian, nghề truyền thống và suối khoáng nóng được chú ý khôi phục, bảo lưu và tôn tạo.