Đấy là vùng đất lịch sử văn hóa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) năm 2001 công nhận là Di tích lịch sử – khảo cổ học Hắc Y (thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên), với một quần thể dày đặc các dấu tích kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần, lan sang các vùng phụ cận rộng chừng 5 cây số vuông, cách thành phố Yên Bái hơn một trăm cây số, còn rõ hình hài của thành quách, ao vua, hào lũy, bãi tập… cùng nền tảng chùa tháp, đền đài, vật liệu kiến trúc, với cảnh quan núi sông bao bọc, ẩn hiện sinh thoát, hiểm yếu về địa thế quân sự, thâm sâu về vị thế kiến trúc tín ngưỡng.

Di tích được phát hiện năm 1995, qua nhiều đợt khai quật càng phát lộ nhiều giá trị đáng quý. Viện Khảo cổ Việt Nam đánh giá “Là một quần thể di tích quan trọng, lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm, thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, từ thời nguyên thủy đến thời kỳ lịch sử phong kiến tự chủ”. Giáo sư Hà Văn Tấn đã khảo sát tại hiện trường, cho rằng “Đây là tháp đất nung rất độc đáo có quy mô và kích thước to lớn, lần đầu tiên được tìm thấy ở vùng miền núi Việt Nam”.
 
Điều lý thú là nhiều hiện vật khai quật ở đây có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật kiến trúc đất nung được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long. Đó là các vật liệu kiến trúc gồm: gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc…, tượng đất nung linh vật các loại: đầu rồng, phượng, uyên ương, lân, voi, garuda… cùng đồ thờ, đồ gốm sứ, tiền đồng… nhiều di vật mang phong cách vương triều. Những di tích và di vật đã được các nhà khoa học lịch sử nhận định: đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, như một Trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ. Đặc biệt tìm thấy 2 bài minh bằng chữ Hán, khắc vào tháp đất nung đã cung cấp thông tin rất quý. Đó là Hoàng Lục Thiện ở Thượng Lâm Trường, sinh năm Mậu Ngọ (1258…?), năm 45 tuổi đã cung tiến cho chùa Thượng Miện 40 toà tháp cửu phẩm liên hoa, loại bảo tháp biểu tượng của nhà Phật. Cây tháp đất nung lớn Hắc Y mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật thời Lý với những đường nét hoa văn mềm mại, tinh tế và độc đáo.
 
Di tích lịch sử – khảo cổ học Hắc Y cho thấy đạo Phật là quốc đạo đã được triều đại Lý – Trần mở rộng, kinh dinh thành công tới tận vùng rừng núi, vốn là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Theo đoán định của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, vùng đất này có thể là đại bản doanh hoặc trang ấp của thủ lĩnh được triều đình cử trấn giữ miền biên viễn phía bắc, khi xây dựng bản doanh đã dựng chùa để phật tử là binh lính và gia tộc có nơi hành đạo. Điều này có thể liên quan đến vai trò của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 – 1330), là bậc thân vương tôn quý, có tài thao lược đánh quân Nguyên, thu phục các thổ tù, biết nhiều ngôn ngữ các dân tộc, được dân miền núi nể phục, khi ông trấn giữ trại Thu Vật, dọc lưu vực sông Chảy. Việc Hoàng Lục Thiện cung tiến bảo tháp chứng tỏ sự thần phục của trăm họ với triều đình.
 
Quần thể di tích còn là nơi danh lam thắng cảnh, hình sông thế núi ngoạn mục. Một bên núi Hắc Y và núi Bạch Mã uy nghi, một bên dòng nước ngòi Đại Cại nhập vào sông Chảy, đầu nguồn Di tích thắng cảnh hồ Thác Bà. Có ngôi đền Đại Cại nổi tiếng về linh thiêng, được dân khắp nơi chiêm bái. Dân nơi này còn truyền tụng câu đối:
 
Này suối Bạc, nọ dòng Xanh, hai dải uốn quanh chầu Đại Cại
 
Đây Hắc Y, đó Hương Thảo, bốn bề quy tụ giữa Đất Linh.
 
Hàng năm vào tháng Giêng, nhân dân các dân tộc sinh tụ ở vùng này mở lễ hội Đại Cại, với các nghi thức tế lễ và ngợi ca công tích của những người khai mở đất đai đồng ruộng, hướng dẫn người dân gieo trồng, gây dựng quê hương, cùng với hội Lồng Tồng của cư dân Tày địa phương, lôi cuốn khách khắp nơi đến hành lễ.
 
Với thiên nhiên hào phóng, cảnh quan hữu tình, nếu địa phương đầu tư công sức và trí lực thích đáng, phục dựng lại một số kiến trúc tiêu biểu, hẳn quần thể Di tích được ví như “hoàng thành” của Yên Bái sẽ trở thành khu du lịch lý tưởng miền sơn cước đối với du khách thập phương.