Không phải đợi đến khi tuyết rơi mà nhiều bạn trẻ đã lên Sa Pa (Lào Cai) từ nhiều ngày trước để đón hiện tượng tự nhiên hiếm gặp ở nước ta. Bởi vậy, khi đợt tuyết đầu tiên rơi xuống thị trấn Sa Pa, hàng trăm người đã thích thú, reo hò và đổ ra đường ngắm dù lúc đó đã nửa đêm. Hàng nghìn lượt khách đổ về đây ngay ngày hôm sau với tâm trạng háo hức lần đầu chạm tay vào tuyết.

 

Tuy nhiên, trên các diễn đàn phượt và du lịch, nhiều ý kiến cho rằng hào hứng đi săn tuyết là sự vô tâm, ích kỷ với nỗi lo của người dân vùng cao khi họ đang phải đối mặt với tình trạng trâu bò, hoa màu chết vì rét, áo quần không đủ ấm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Điều này đã dẫn đến cuộc tranh cãi gay gắt khi nhiều dân phượt lên tiếng, họ đi không chỉ để ngắm tuyết mà cũng là để chia sẻ với cộng đồng bằng các hoạt động từ thiện.

 

Phạm Kiều Oanh là hướng dẫn viên tuyến Hà Nội - Sa Pa được hơn 4 năm và thường chia sẻ kinh nghiệm du lịch trên trang cá nhân. Trước cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, Kiều Oanh có bài viết chia sẻ về điều này và thu hút hơn 40.000 lượt thích chỉ sau một ngày.

 

Theo Oanh, mọi người không nên "ném búa rìu vào du khách" bởi không ai muốn nhìn cảnh người dân vùng cao phải chống chọi với băng tuyết, đặc biệt là các em bé còn thiếu áo quần. "Nhưng nếu du khách không đến thì tuyết có ngừng rơi? Sa Pa, Hà Giang, Mộc Châu, Lạng Sơn có hết lạnh được không? Đó là do thời tiết, không phải do người du lịch gây ra. Du khách đến cũng đóng góp một phần cho du lịch và phát triển kinh tế chứ họ không hề phá hoại", cô viết.

 

Cũng đồng quan điểm, Hà Kin, nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng cho rằng nhiều người thích tuyết, thích đi chơi, thích du lịch, không có nghĩa là họ không thấy thương cảm cho người khác, không muốn làm điều tốt. “Có lẽ cái sự thích thú này là bản năng tự nhiên của mỗi con người, đặc biệt nếu bạn chưa thấy chúng bao giờ, và chúng làm cho bạn háo hức, bạn vui thì có là điều gì tội lỗi?”, Hà Kin trả lời tâm sự của nhiều bạn trẻ.

 

Ngoài ra, cả Kiều Oanh và Hà Kin cũng chia sẻ ý kiến về nghịch lý từ thiện mùa tuyết. Hà Kin cho biết cô từng thắc mắc sao trời rét mà những em bé miền núi suốt ngày cởi truồng, đi xin rất nhiều quần để cầm lên cho người dân vùng cao nhưng họ cũng ném đi hết.

 

“Sau này, tôi hiểu là những đứa trẻ con hay tè ra quần, chúng không có bỉm như trẻ con thành phố để một ngày thay chục lần. Rất nhiều người không hiểu và cố gắng đem thật nhiều quần lên mà chúng trông vẫn đáng thương, rồi họ lại quay ra chỉ trích nhau, nghi ngờ lòng tốt hay đổ lỗi cho sự vô tâm của "người miền xuôi", cô giải thích.

 

Còn theo Oanh, người dưới xuôi nhìn nhận cuộc sống của những đứa trẻ chân đất, cởi truồng qua những bức ảnh, thậm chí cả người chụp cũng chưa chắc đã tìm hiểu câu chuyện thế nào. Cô cho rằng du khách đến Sa Pa, thấy những em bé như vậy và họ cho tiền. Thế nhưng không hẳn trẻ nhỏ ở đây thiếu thốn mà một phần bởi chính bố mẹ các em chẳng thể chăm lo hết vì còn bận bươn trải mưu sinh.

 

Minh chứng cho điều đó, Oanh kể lại câu chuyện cô từng gặp trên đường một lần đi từ thiện:
"Ở trạm nghỉ, em gặp một em bé chạy ra xin tiền. Vô tình hỏi:

 

- Bố mẹ con đâu?
- Bố mẹ chết rồi.
Cho quà xong, bé lại lân la sang chỗ khác xin tiếp. Em mới quay ra hỏi:
- Thế ai bảo con đi xin tiền?
- Mẹ con ạ.
- Thế mẹ con đâu?
- Mẹ ở nhà".

 

Qua câu chuyện, Oanh không quên nhắn nhủ những bạn trẻ làm từ thiện cần xuất phát từ tâm và cần được đặt đúng lúc, đúng chỗ. Hãy cùng nối vòng tay lớn để trải dài những tấm lòng nhân ái đến với các nơi xa xôi, khó khăn hơn Sa Pa, nhưng không có du lịch. Nếu có thể, xin đừng cho trẻ em tiền. Những món quà về vật chất sẽ ấm lòng và thiết thực hơn.