Hà thủ ô có hai loại: đỏ và trắng. Tuy nhiên, hà thủ ô đỏ mới là vị thuốc đúng dùng trong Đông y. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, loại củ này là vị thuốc quan trọng trong nhiều bài thuốc bổ.

Là loại dây leo bằng thân quấn dài 2-5m. Vỏ thân màu nâu đỏ, có nhiều lông mịn. Lá mọc đối, phiến lá nguyên, hình bầu dục, chóp lá nhọn, gốc lá tròn, dài 4-14cm, rộng 2-9cm. Hoa nhỏ, màu lục vàng nhạt, mọc thành xim ở nách lá. Quả gồm 2 đại xếp ngang ra hai bên trông như đôi sừng bò. Hạt dẹt mang một mào lông mịn. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng như sữa.
Nhiều nghiên cứu đã công nhận, hà thủ ô có tác dụng với nhiều bệnh lý như rụng tóc, tóc bạc sớm. Chúng còn được dùng để chữa đau lưng dưới, yếu khớp gối, yếu cơ, liệt nửa người, tinh thần hồi hộp, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược thần kinh, tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch. Ngoài ra, hà thủ ô còn có thể giúp chống lão hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp nhuận tràng, điều chỉnh lượng đường trong máu.
 
Bộ phận dùng làm thuốc: Bộ phận dùng chủ yếu của hà thủ ô đỏ là rễ, thu hái vào mùa thu, đào về, rửa sạch, cắt bỏ rễ con và góc thân, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hay bổ tư, phơi hoặc sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi thì tốt hơn. Sau đó, rễ được chế biến theo cách sau: Ngâm dược liệu vào nước vo gạo một ngày đêm, rửa sạch. Đổ nước và đậu đen vào cho ngập với tỷ lệ 1 kg hà thủ ô với 100g đậu đen trong 2 lít nước. Đun đến khi đậu đen nhừ nát và nước gần cạn, năng đảo cho thuốc chín đều. Lấy dược liệu ra thái mỏng, phơi khô. Lại cho nước, đậu đen vào, đun tiếp cho hết. Phơi khô lần cuối cùng.
 
Nơi sống và thu hái: Cây của miền Đông Dương, mọc hoang rất nhiều ở vùng đất cao, đồi gò, rừng thứ sinh, đặc biệt là trên các nương rẫy đã bỏ hoang hoặc mới khai hoang. Cây tái sinh khoẻ. Thu hái rễ củ quanh năm. Rễ đào về, rửa sạch, thái lát dày khoảng 3cm, phơi hay sấy khô. Có thể ngâm nước vo gạo một đêm trước khi phơi hay sấy khô.
 
Thành phần hóa học: Rễ củ chứa tinh bột, nhựa đắng, tanin pyrogalic và một chất có phản ứng alcaloid có tinh thể chưa xác định.
 
Tính vị, tác dụng: Hà thủ ô có vị đắng chát, tính mát; có tác dụng bổ máu; bổ gan và thận.
 
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa thiếu máu, thận gan yếu, thần kinh suy nhược, ăn ngủ kém, sốt rét kinh niên, phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, bạch đới, ỉa ra máu, trừ nọc rắn cắn, bạc tóc sớm, bệnh ngoài da mẩn ngứa. Có nơi còn dùng củ và thân lá của cây để chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét. Có người còn dùng dây sắc lấy nước cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa uống cho có thêm sữa. Cây lá cũng được dùng đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Người ta còn dùng củ chữa cơn đau dạ dày.
 
Rất nhiều người biết đến hà thủ ô nhờ công dụng làm trẻ hóa mái tóc của loại củ này. Một nghiên cứu thực hiện trên 48 người, bao gồm 24 nữ và 24 nam, trong độ tuổi từ 30 – 60, cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc như tuổi tác, căng thẳng, hút thuốc. Họ đều được dùng 4g củ hà thủ ô, chia làm hai lần trong ngày.
 
Sau một tháng điều trị, 91% nam giới và 87% phụ nữ cho biết chứng rụng tóc của mình được cải thiện tốt như tóc ít rụng, khỏe và đen hơn. Không ai trong số họ gặp tác dụng phụ trong thời gian điều trị. Không chỉ vậy, trong củ hà thủ ô còn có chất đạm, tinh bột, chất béo, đặc biệt là có chất lexitin. Đây là thành phần chủ yếu của hệ thần kinh, giúp điều trị thần kinh suy nhược, suy dinh dưỡng, có lợi cho tim.
 
Đông y có bài thuốc chữa thần kinh suy nhược, ăn uống khó tiêu dành cho người già yếu, trong đó hà thủ ô là vị thuốc chính: 10g hà thủ ô, 5g táo đen, 2g thanh bì, 3g trần bì, 3g sinh khương, 2g cam thảo, 600ml nước. Tất cả đem sắc đến khi còn khoảng 200ml, uống ba lần trong ngày.
 
Nếu có biểu hiện như da nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, bạn có thể bồi bổ khí huyết bằng cách ăn cháo nấu với hà thủ ô. Bạn nên bọc hà thủ ô trong vải thưa rồi cho vào nồi, nấu chung với cháo. Khi cháo nhừ, bạn vớt hà thủ ô ra, nêm nếm tùy theo khẩu vị.
 
Cầu kỳ hơn, bạn có thể lấy 30g hà thủ ô nghiền thành bột, bọc chặt trong túi vải rồi nhét vào bụng một con gà mái đã làm sạch. Bạn cần hầm nhừ món gà này bằng nồi đất rồi ăn trong ngày.
 
Một cách để bạn dễ dàng sử dụng vị thuốc này là thái vụn hà thủ ô, ngưu tất, sinh địa, đường quy rồi hâm với nước sôi để uống thay trà. Trên thị trường hiện nay có loại hà thủ ô giả, kém chất lượng làm từ củ nâu hoặc hà thủ ô trắng. Để tránh mua phải hàng giả, bạn nên xem xét thật kỹ hoặc nhờ người biết về các vị thuốc Đông y đi cùng.
 
Hà thủ ô đỏ có hình dạng tương tự củ khoai lang, bề ngoài nhiều chỗ lồi lõm, cứng, khó bẻ. Miếng cắt ngang bên trong màu hồng, giữa thường có lõi gỗ cứng. Hà thủ ô đỏ có nhiều bột màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.
 
Nếu đang dùng hà thủ ô trị bệnh, nên hạn chế ăn huyết động vật, củ cải, các loại gia vị như hành, tỏi. Người bị táo bón, tiêu chảy nhiều không nên dùng hà thủ ô. Bạn cần bảo quản hà thủ ô đã chế biến ở nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc vì khi bị mốc, chúng sẽ gây hại cho gan và thận.
 
Có thể sử dụng hà thủ ô dưới dạng thuốc sắc, thuốc tán, thuốc viên đều có hiệu quả.
 
Để làm đen tóc, râu, khỏe gân xương, người ta sử dụng bài thuốc sau:
 
- 600g hà thủ ô đỏ, 600g hà thủ ô trắng ngâm với nước vo gạo bốn ngày đêm, cạo bỏ vỏ. Đậu đen đãi sạch, cho một lượt hà thủ ô, một lượt đậu đen vào chõ, đồ chín rồi bỏ đậu lấy hà thủ ô phơi khô, rồi lại đồ. Tiếp tục làm như vậy chín lần rồi lấy hà thủ ô sấy khô, tán bột. Việc này nhằm tận dụng chất antycyanidin trong đậu đen để giảm tính chát và gây táo bón trong hà thủ ô.
 
- 600g xích phục linh và 600g bạch phục linh, cạo vỏ, tán bột, đãi với nước trong đến khi sạch, lọc lấy bột lắng, nắm lại, tẩm với sữa mẹ rồi phơi khô.
 
- 320g ngưu tất tầm rượu khoảng một ngày, thái mỏng, đồ cùng hà thủ ô với đậu đen vào ba lần đồ cuối.
 
- 320g đương quy, 320g câu kỷ tẩm rượu, phơi khô, 320g thỏ ty tử tẩm rượu giã nát, phơi khô.
 
- 100g bổ cốt chi trộn với vừng đen, sao khô đến lúc thấy mùi thơm.
 
Sau khi chế biến xong, giã nát, trộn đều các vị thuốc trên, cho thêm mật ong rồi vo thành viên 0,5g, chia thành ba lần uống trong ngày, mỗi lần 50 viên. Người dùng nên uống thuốc buổi sáng bằng rượu, trưa uống với nước gừng, tối dùng với nước muối.